Liên Xô sẵn sàng đổi 7 tiêm kích MiG-15 cho chiếc tiêm kích Mỹ này
Trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), cả Liên Xô và Mỹ đều tìm cách chiếm khí tài của nhau, để giành ưu thế trên chiến trường. Mỹ tìm mọi cách để thu được tiêm kích MiG-15, còn Liên Xô lại muốn có một chiếc F-86.
Mỹ bắt đầu biên chế tiêm kích F-86 Sabre, cho Phi đoàn Tiêm kích số 94, thuộc Không đoàn Tiêm kích số 1 từ năm 1949. F-86 nhanh chóng trở thành chiến đấu cơ chủ lực của Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên, bên cạnh một số tiêm kích đời cũ như F-80 và F-84.

Để đáp trả, Liên Xô đã triển khai chiến đấu cơ MiG-15 hiện đại tới Triều Tiên từ tháng 11/1950. Tiêm kích F-86 và MiG-15 có nhiều điểm chung trong thiết kế, thậm chí hình dáng bên ngoài của MiG-15, còn khiến nhiều phi công Mỹ tưởng đó là những chiếc F-86 đồng minh. Tuy nhiên, mỗi dòng máy bay lại có điểm mạnh yếu khác nhau.

Máy bay chiến đấu F-86 Saber có thể đạt tốc độ trên 1.100km/h, cùng khả năng lượn và bổ nhào tốt hơn MiG-15. Chúng cũng cân bằng hơn đối phương về mặt khí động học. Máy bay Mỹ còn được trang bị radar AN/APG-30, giúp phi công lấy đường ngắm và khai hỏa 6 súng máy cỡ nòng 12,7 mm chính xác hơn.

Tiêm kích MiG-15 có tốc độ tối đa thấp hơn, chỉ khoảng 1.070 km/h, nhưng sở hữu khả năng tăng tốc, leo cao và cơ động tốt hơn hẳn so với F-86. Vũ khí trên tiêm kích Liên Xô thua kém về độ chính xác, nhưng lại vượt trội về uy lực với hai pháo 23 mm và một pháo 37 mm.

Về cơ bản, F-86 Sabre và MiG-15 có tính năng chiến đấu ngang ngửa nhau. Hầu hết các trận không chiến giữa hai loại tiêm kích này diễn ra ở vùng tây bắc Triều Tiên, khu vực còn được gọi là “Hành lang MiG”. Đó là dải đất nằm giữa Triều Tiên với Trung Quốc, dọc sông Áp Lục đổ ra biển Hoàng Hải.

Trên lý thuyết, Triều Tiên là quốc gia duy nhất sử dụng MiG-15 trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, hầu hết các nhiệm vụ đều do phi công Liên Xô thực hiện, nhiều người trong số họ là cựu binh từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Điều tương tự cũng diễn ra với phía Mỹ, các phi công Mỹ đều có kinh nghiệm từ những trận chiến với phát xít Đức và Nhật.

Khi ưu thế của những chiếc F-86 bị mất, phía Mỹ khởi động chiến dịch Moolad, với hy vọng dụ dỗ phi công Liên Xô bỏ trốn. Gián điệp Mỹ tại Liên Xô tung tin đồn rằng bất cứ phi công nào đào ngũ cùng tiêm kích MiG-15 sẽ được thưởng 100.000 USD và nhập quốc tịch Mỹ. Tuy nhiên, chính Liên Xô lại đánh bại Mỹ trong cuộc đua chiếm tiêm kích của đối phương.

Vào ngày 6/10/1951, đội bay của trung úy Bill Garret chạm trán với tiêm kích của Sư đoàn không quân số 324 Liên Xô, một trong những đơn vị thiện chiến nhất trong Thế chiến II. Sau khi giao chiến, chiếc F-86 của Garret bị trúng đạn, phi công này buộc phải quay về căn cứ.