Lý do mọi tàu chiến trên khắp thế giới đều sơn màu xám
Dù "tông màu" có thể hơi khác nhau, tuy nhiên phần lớn các tàu chiến trên thế giới, đều có tông màu xám lông chuột khá tương đồng.
Dù “tông màu” có thể đậm, nhạt khác nhau, tuy nhiên về cơ bản, có thể dễ dàng nhận ra, rằng phần lớn các tàu chiến trên thế giới hiện nay, đều có màu sơn xám, chứ không phải màu xanh đại dương như màu nước biển.
Hải quân Mỹ từng trả lời phỏng vấn và cho biết, màu sơn xám được sử dụng bởi mọi tàu chiến mặt nước của lực lượng này, để giúp chúng khó bị phát hiện hơn bằng mắt thường.
Cụ thể, khi ở khoảng cách đủ lớn, màu sơn xám sẽ giúp tàu chiến khó bị nhìn thấy hơn, đặc biệt là khi ở sát với đường chân trời, màu sơn xám sẽ khiến tàu chiến gần như “tàng hình” khỏi mắt người.
Trong điều kiện thời tiết có sương mù, màu sơn xám cũng sẽ khiến những tàu chiến lẩn tránh trong sương tốt hơn, tránh bị phát hiện từ khoảng cách xa.
Đặc biệt, màu sơn xám sẽ làm độ cao của tàu chiến khó xác định bằng mắt thường, do nó gần như tương đồng với màu của bầu trời khi nhìn ở khoảng cách xa.
Không xác định được chiều cao của tàu, việc xác định khoảng cách từ tàu chiến tới mắt người nhìn sẽ cực kỳ khó khăn. Không xác định được khoảng cách chuẩn, việc khai hỏa chính xác sẽ là điều không tưởng.
Không chỉ màu sơn bên thân tàu, màu sơn của mặt sàn tàu, cũng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Cụ thể, mặt sàn tàu chiến Mỹ thường có màu xám, được lực lượng này gọi là “xám sàn tàu”.
Trong khi đó, tàu chiến của Nga thường có mặt sàn màu sơn đỏ. Về cơ bản, sơn ở mặt sàn tàu phải đảm bảo khả năng chịu nắng chiếu liên tục trong nhiều tháng, nên màu sơn cần phải bền bỉ, nhưng vẫn cần phải rẻ, để còn sơn lại liên tục.
Màu sơn đỏ trên sàn tàu chiến Nga, còn đóng vai trò chống ăn mòn, giúp tăng độ bền của tàu khi hoạt động liên tục trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Do có rất nhiều tàu chiến được sơn màu ghi, việc phân biệt quốc tịch của các tàu chiến này trên hải phận quốc tế, thường dựa vào hệ thống liên lạc, hoặc kiểu dáng của tàu.
Trong lịch sử, cũng có không ít nhầm lẫn tai hại từng xảy ra, khi các thủy thủ tàu ngầm xác định nhầm kiểu dáng, chủng loại và quốc tịch của tàu mặt nước, dẫn tới thảm họa quân ta đánh nhầm quân mình.
Tuy nhiên với công nghệ ngày nay, việc phân biệt tàu chiến của các quốc gia cũng đã đơn giản hơn rất nhiều do có máy móc hỗ trợ. Ở thời điểm hiện tại, các tàu chiến cỡ lớn cũng thường “nhìn” thấy nhau qua radar từ sớm, thay vì phải cố “căng mắt” tìm kiếm nhau ở đường chân trời như trong quá khứ. Nguồn ảnh: Pinterest.