Phơi bày điểm yếu chết người của chiến đấu cơ số 1 thế giới
Bất kỳ loại vũ khí, thiết bị quân sự nào đều có ưu và nhược điểm, F-22 Raptor vốn vẫn là chiến đấu cơ số 1 thế giới, nhưng cũng không thể tránh khỏi quy luật này.
Có lẽ ít người phản đối F-22 là loại máy bay chiến đấu tàng hình mạnh nhất thế giới, và F-22 luôn được lấy làm tiêu chí để phát triển các phiên bản máy bay chiến đấu của các quốc gia khác; không chỉ là tính năng kỹ chiến thuật, mà giá của loại máy bay này cũng thuộc hàng đắt nhất thế giới. Ảnh: Máy bay chiến đấu F-22 – Nguồn: Wikipedia.
Tuy nhiên F-22 cũng chưa phải là quá hoàn hảo; thứ nhất, về bán kính chiến đấu, F-22 có bán kính chiến đấu chỉ 700 km (tương đương với MiG-29 của Liên Xô đời đầu). Ngược lại, bán kính chiến đấu của F-35 là hơn 1.000 km, trong khi bán kính chiến đấu của tiêm kích chủ lực thế hệ 4 của Mỹ là F-15 có thể vượt quá 1.500 km.
Điều này chủ yếu là do F-22 là máy bay tàng hình, có khoang chứa bom tích hợp, ống hút khí cong để bảo đảm khả năng tàng hình và hai động cơ chiếm nhiều không gian bên trong; kết cầu này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bố trí thùng nhiên liệu bên trong của máy bay.
Hơn nữa để đảm bảo khả năng tàng hình, trong chiến đấu, F-22 không mang theo thùng nhiên liệu phụ; vấn đề này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến bán kính chiến đấu, của loại chiến đấu cơ tàng hình hạng nặng này.
Để khắc phục bán kính hoạt động hạn chế của loại tiêm kích số 1 này, Mỹ lập rất nhiều căn cứ ở nước ngoài; đồng thời các loại máy bay phục vụ như máy bay tiếp dầu có thể hỗ trợ đắc lực cho tiêm kích F-22; nhưng điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng tác chiến của F-22.
Thứ hai, hiệu suất của F-22 quá đơn lẻ, tập trung rất nhiều vào chiếm ưu thế trên không (không chiến), nhưng hiệu suất tấn công mặt đất hạn chế. Do khoang vũ khí F-22 có thể tích nhỏ, nên chỉ sử dụng tên lửa không đối không có đường kính và trọng lượng nhỏ; không có chỗ cho các loại vũ khí tấn công mặt đất dẫn đường chính xác lớn như bom JDAM.
Chỉ những loại bom có đường kính nhỏ (SDB), mới được sử dụng trên F-22 để thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất. Mặc dù mang theo một khối lượng lớn vũ khí, nhưng những loại vũ khí này không đủ mạnh, để đối phó với các mục tiêu kiên cố, nhất là các mục tiêu sâu dưới lòng đất hoặc hang động.
Vấn đề tồn tại về vũ khí được giải quyết tốt hơn trên loại máy bay chiến đấu F-35, khi thiết kế của F-35 nhấn mạnh vào mẫu máy bay chiến đấu đa năng. Tất nhiên, cũng có thể hiểu rằng F-22 là một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không, nên họ xem nhẹ việc tiến công mục tiêu mặt đất.




