Quá sợ Nga, Quân đội Mỹ cuống cuồng phát triển tên lửa đánh chặn
Theo Forbes, Mỹ có kế hoạch triển khai 21 tên lửa đánh chặn mới, với kinh phí dự kiến lên tới 17,7 tỷ USD, nhằm thay thế số tên lửa đánh chặn cũ vì thiếu sự tin tưởng.
Hai công ty quốc phòng hàng đầu của Mỹ là Lockheed Martin và Northrop Grumman đang đấu thầu dự án đánh chặn chống tên lửa (NGI) thế hệ tiếp theo, nhằm mục đích thay thế thiết bị đánh chặn chống tên lửa (GBI) được sử dụng trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ hiện nay.
Hiện tại, Mỹ đã triển khai 44 tên lửa đánh chặn trong các hầm chứa ở bang Alaska và California, để bảo vệ Mỹ khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của nước ngoài có thể xảy ra.
Nhưng đáng buồn là trong 22 năm qua, hệ thống GBI đã thất bại 9 trong số 20 cuộc thử nghiệm đánh chặn và chúng không thể đánh chặn một cách đáng tin cậy đối với các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có công nghệ phức tạp như sử dụng mồi nhử, cơ động né tránh, hoặc sử dụng nhiều đầu đạn.
Theo thông tin, phần lớn khoản đầu tư vào dự án đánh chặn tên lửa (NGI) thế hệ tiếp theo (13,1 tỷ USD), sẽ được sử dụng để nghiên cứu phát triển và sản xuất 10 tên lửa thử nghiệm. Số tên lửa sẽ được thử nghiệm vào giữa thập niên này.
Bắt đầu từ khoảng năm 2028, Mỹ sẽ chi 2,3 tỷ USD để mua và triển khai 21 tên lửa đánh chặn kiểu mới, nâng tổng số tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lên 65 quả. Trong thời gian phục vụ của các tên lửa GBI này, chi phí bảo trì và sử dụng sẽ lên tới 2,2 tỷ USD.
Như vậy, giá trung bình một tên lửa đánh chặn NGI trong vòng đời lên tới 843 triệu USD. Nếu sau khi mua 21 tên lửa NGI đầu tiên, Mỹ phải đặt hàng thêm tên lửa (có lẽ để thay thế thế hệ tên lửa GBI trước), thì chi phí của mỗi tên lửa có thể cần thêm 109 triệu USD (bao gồm cả hạ tầng, tên lửa và chi phí nghiên cứu).











