Quân đội Nga muốn dùng “Zircon” mặt đất để thay cho tên lửa Iskander
Quân đội Nga đang phát triển một loại tên lửa hành trình siêu âm chiến thuật nhằm thay thế cho toàn bộ các tổ hợp Iskander đang được nước này sử dụng rộng rãi.
Truyền thông Nga trích lời Bộ Quốc phòng nước này cho biết, một tổ hợp tên lửa hành trình siêu âm với cơ cấu bắn từ mặt đất, hiện đang được Nga nghiên cứu và phát triển nhằm thay thế cho các tên lửa Iskander.

Loại tên lửa “hành trình siêu âm chiến thuật” của Quân đội Nga hiện đang được phát triển có thể coi là phiên bản Zircon có cơ cấu phóng từ mặt đất.

Tới thời điểm hiện tại, các tổ hợp tên lửa Iskander và Iskander-M của Nga vẫn được coi là quá thừa thãi để tung ra những đòn tấn công phủ đầu đối phương.

Mặc dù vậy, các chuyên gia quân sự của Nga vẫn cho rằng để có thể tăng được tầm tấn công của lực lượng tên lửa Nga, cần có một loại vũ khí với tầm bắn trong khoảng 2000 km và tên lửa hành trình siêu âm thế hệ mới chính là chìa khóa cho mục tiêu này.

Còn với các tổ hợp Iskander của Nga hiện tại, tầm bắn tối đa cũng chỉ đạt 500 km do bị giới hạn bởi các hiệp ước hạn chế tên lửa tầm trung ký kết với Mỹ trong quá khứ.

Dù theo nhiều nguồn tin, tổ hợp tên lửa Iskander của Nga hoàn toàn có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách khoảng 1000 km sau khi được nâng cấp. Tuy nhiên với Moscow, dường như tầm tấn công này là chưa đủ.

Ra đời từ năm 2006, các tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander của Nga hiện đang là một trong những loại vũ khí “độc quyền” của quốc gia này, NATO và Mỹ hoàn toàn không có loại vũ khí nào tương đương và được cho là không có công nghệ đánh chặn Iskander.

Mỗi quả tên lửa Iskander có trọng lượng 3,8 tấn, dài 7,3 mét cùng đường kính 0,92 mét. Loại tên lửa này mang được đầu đạn tối đa lên tới 700 kg – nghĩa là có thừa khả năng để mang theo đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa Iskander của Nga có tầm hoạt động không quá cao, tối đa khoảng 50 km ở những phiên bản đầu tiên. Ở phiên bản Iskander-M, loại tên lửa này cũng chỉ có tầm bắn tối đa 500 km.

Iskander sử dụng hệ thống dẫn đường quang học kết hợp với hệ thống tọa độ địa lý GPS hoặc GLONASS để có thể tìm và tiêu diệt chính xác mục tiêu theo như tọa độ được định trước.

Hiện tại trên thế giới chỉ có ba quốc gia sử dụng tổ hợp Iskander trong biên chế, trong đó bao gồm Nga, Armenia và Algeria.

Trong tương lai khi Nga có một loại vũ khí cao cấp hơn Iskander, rất nhiều khả năng Moscow sẽ tăng cường xuất khẩu tổ hợp tên lửa này ra nước ngoài.

Iskander của Nga cũng là loại tên lửa được thiết kế để thay thế cho tên lửa đạn đạo Scud. Việc Việt Nam đã từ lâu sở hữu các tổ hợp tên lửa Scud cũng giúp chúng ta có rất nhiều lợi thế nếu muốn tiếp cận với tổ hợp Iskander trong tương lai.