“Bảo bối” phòng không tầm thấp, chống UAV hiệu quả của Quân đội Việt Nam
Quân đội Việt Nam có một số tổ hợp phòng thủ, vũ khí đã được công khai từ lâu có khả năng săn đuổi, ngăn chặn máy bay không người lái (UAV) rất hiệu quả, tạo ra uy lực cho lưới lửa phòng không tầm thấp.
Cuộc xung đột quân sự quy mô lớn giữa hai nước Azerbaijan và Armenia xảy ra gây ra nhiều tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Trong khi lực lượng mặt đất Armenia tỏ ra rất hiệu quả thì Azerbaijan lại đang kiểm soát ưu thế cực lớn trên không bằng số lượng lớn các máy bay không người lái (UAV). Qua đó chúng ta thực sự thấy được sự lợi hại không thể xem thường của các UAV vũ trang trong thời kỳ hiện đại. Ảnh: UAV vũ trang Hermes 900 do Israel chế tạo, xuất khẩu cho Azerbaijan.
Xét về chiến thuật, ngày nay trong đội hình bộ binh phối thuộc tăng – thiết giáp hành tiến trống trải, việc thiết lập ô phòng không lục quân tầm thấp, ngăn chặn UAV là rất cần thiết. Đối với Lục quân Việt Nam, từ lâu chúng ta đã sở hữu nhiều trang bị, “bảo bối” cùng nhiều phương thức săn đuổi, ngăn chặn các UAV được đánh giá là khá hiệu quả. Ảnh: Đội hình xe tăng Việt Nam hành tiến.
Đầu tiên phải kể đến trong nhiệm vụ phòng không tầm thấp đó chính là các tổ hợp Strela-10 (9K35). Đây là khí tài do Liên Xô thiết kế chế tạo, chính thức phục vụ từ năm 1979 và được nước bạn viện trợ cho quân đội ta trong giai đoạn sau đó. Tổ hợp được đặt trên khung bệ xe thiết giáp bánh xích MT-LB với một bệ phóng gồm 4 đạn tên lửa 9M37 có tầm bắn tối đa 5.000m, trần bay tối đa 3.500m được cung cấp tham số bởi một radar chỉ huy, phân loại mục tiêu có tầm phát hiện tối đa tới 10.000m. Ảnh: Triển khai tổ hợp Strela-10 của bộ đội Việt Nam – Nguồn: VOV
Hiện nay các tổ hợp Strela-10 đang đảm đương nhiệm vụ hỗ trợ các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU trong tác chiến tầm gần. Tuy nhiên khi có chiến sự xảy ra, các tổ hợp này hoàn toàn có thể được phân công đi theo đội hình bộ binh chiến đấu làm ô phòng không che đầu chống lại các mục tiêu bay thấp trên không của đối phương như UAV, máy bay bổ nhào, trực thăng,… Ảnh: Cán bộ chiến sĩ huấn luyện với tổ hợp Strela-10 – Nguồn: QĐND.
Quân đội ta hiện nay cũng sở hữu các tổ hợp pháo phòng không tự hành Zsu-23-4 Shilka sử dụng 4 pháo bắn nhanh 2A7 cỡ nòng 23mm. Đây là tổ hợp pháo có tốc độ bắn cực cao, tạo lưới lửa dày đặc có thể bắn hạ phương tiện bay tầm thấp của đối phương một cách dễ dàng, đồng thời được dẫn bắn bằng radar điện tử giúp cho độ chính xác khá cao. Đặc biệt, Việt Nam còn tự nâng cấp tăng cường thêm hỏa lực cho Zsu-23-4 với các ống phóng tên lửa phòng không (MANPADS) và radar mới tăng thêm khả năng tác chiến trong môi trường hiện đại. Ảnh: Pháo phòng không tự hành Zsu-23-4 tại nhà máy – Nguồn: QĐND
Phải nói rằng Zsu-23-4 là phương tiện hỗ trợ tác chiến vô cùng hiệu quả, bên cạnh việc phòng không, tạo ô che đầu cho đội hình bộ binh, tổ hợp cũng có thể hạ nòng bắn thẳng tạo hỏa lực mặt đất chế áp đối phương, hỗ trợ lực lượng ta tác chiến. Ảnh: Đội hình Zsu-23-4 trong trạng thái chiến đấu.






