“Máy bay B-52 của Việt Nam” từng khiến quân Polpot khóc thét
Việt Nam từng cải tiến máy bay vận tải An-26 thành máy bay ném bom, khiến chuyên gia Liên Xô từng sửng sốt không thể tin nổi vào mắt mình.
Từ tháng 3/1979, nhiều khí tài quân sự được nhập vào Việt Nam, trong đó có máy bay vận tải An-26 của Liên Xô. Ngày 16/4/1979, Quân chủng PK-KQ nhận nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận máy bay An-26 và chỉ đạo Xưởng A41 tổ chức đoàn cán bộ nhân viên sang Liên Xô, đào tạo quy trình bảo dưỡng kỹ thuật máy bay An-26.
Đầu tháng 8/1979, đoàn chuyển loại của A41 gồm 27 người sang Liên Xô. Lý thuyết học tại TP. Kirovohrad (nay là Học viện bay Kirovohrad của Đại học Hàng không Quốc gia, Ukraina), thực hành tại trường không quân Krasnodar (nay là Học viện không quân Krasnodar, Liên bang Nga).
Đến đầu 1980, nguồn vật tư kỹ thuật của máy bay Mỹ, thu được sau ngày 30/4/1975 cạn kiệt, các máy bay đã quá hạn tổng kiểm nhiều lần, trong khi nhu cầu chi viện hỏa lực của bộ đội trên chiến trường Campuchia ngày càng cao. Quá bức bách, quân chủng phải ký quyết định tăng hạn sử dụng cho hai máy bay vận tải C-130 số 04 và 05 thêm 6 tháng.
Trong cái khó ló cái khôn, những cán bộ kỹ thuật không quân nảy ra ý tưởng “Tại sao không cải tiến vận tải cơ An-26 thành máy bay ném bom?”. Tháng 6/1980, quân chủng giao nhiệm vụ cho A41 nghiên cứu, cải tiến máy bay An-26 chuyên vận tải thành máy bay ném bom.
Nhiều sáng kiến được đưa ra, cuối cùng phương án trang bị bom MK-81, MK-82 của Mỹ lên máy bay An-26 của kỹ sư Nguyễn Hữu Sửu và trợ lý Viện Kỹ thuật không quân Nguyễn Kim Khôi được thông qua. Các phương án cải tiến được đưa ra: Lắp bom vào giá treo ngoài máy bay; lắp bom vào khoang chở hàng…









