Ngăn chặn tình trạng thả cá bừa bãi xuống Hồ Gươm dịp ông Công ông Táo
Thả cá chép sau khi cúng ông Công ông Táo là tục lệ đẹp, tuy nhiên việc thả cá bừa bãi cũng gây ra những hệ lụy đối với sinh vật sống trong hồ.
Dịp ông Công ông Táo 23 tháng Chạp hàng năm, nhiều người dân thả cá chép với quan niệm cá chép hóa rồng, tiễn đưa ông Táo chầu trời.
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người dân thả cá chép không đúng cách như vứt cả túi nilông đựng cá xuống sông hồ hay thả cá từ trên cầu cao xuống sông… Những điều này vô tình đã làm mất đi nét đẹp vốn có của tục thả cá chép tiễn Táo quân.
Trao đổi với Lao Động, đại diện Ban Quản lý Khu di tích Hồ Gươm cho biết, việc thả vật nuôi nói chung, các loài cá nói riêng xuống Hồ Gươm là không được.
“Dịp ông Công ông Táo, lượng người dân thả cá xuống Hồ Gươm nhiều hơn, nên Ban quản lý đã cử đội bảo vệ chia thành nhiều ca, kíp, phối hợp với các đơn vị chức năng khác thấy việc người dân thả cá, túi niông xuống hồ là nhắc nhở ngay, không để phóng sinh một cách vô tội vạ.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cử các đội thường xuyên vớt túi nilông để bảo vệ cảnh quan hồ cũng như các thủy sinh sống dưới hồ”, đại diện Ban Quản lý Hồ Gươm cho biết.
Liên quan đến việc phóng sinh vào dịp ông Công ông Táo, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, hiện nay khi việc làm ý nghĩa này đang ngày càng mất đi nét đẹp vốn có, gây ra không ít hậu quả cho môi trường sống của các loài sinh vật và chính các loài những tưởng là sẽ được cứu vớt nhờ phóng sinh.
Cụ thể, đơn vị này nhận định do sự thiếu hiểu biết của con người, việc phóng sinh đã gây những tác động không tốt đối với môi trường sống trong vùng.
“Để việc phóng sinh thực sự có ý nghĩa, người phóng sinh cần phải tìm hiểu rõ môi trường sống của các loài vật để có thể đưa chúng đến nơi phù hợp và an toàn, tạo cơ hội sống sót cho các loài sinh vật được phóng sinh”, ENV cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV, việc phóng sinh bừa bãi không có hiểu biết chính là nguy cơ đe dọa sự sống cho các loài động vật hoang dã.