Nước Pháp: Biểu tình bãi công, một số nhà ga tại Paris bị tê liệt hoàn toàn
Dịch vụ tàu hỏa ở các vùng ngoại ô Paris, vùng Champagne-Ardenne ở Đông Bắc và vùng Occitanie ở phía Nam, gồm các thành phố Toulouse và Montpellier đã bị ảnh hưởng một phần.
Xe lửa trên khắp nước Pháp bị gián đoạn nghiêm trọng vào thứ Sáu vừa qua. (Nguồn: AFP)
Dịch vụ tàu hỏa tại một số vùng của Pháp đã ngừng hoạt động vì công nhân ngành này tiếp tục đình công ngày thứ 3 liên tiếp do mâu thuẫn về bố trí nhân viên trên các tuyến.
Cụ thể, dịch vụ tàu hỏa ở các vùng ngoại ô Paris, vùng Champagne-Ardenne ở Đông Bắc và vùng Occitanie ở phía Nam, gồm các thành phố Toulouse và Montpellier đã bị ảnh hưởng một phần.
Đợt đình công bắt đầu từ ngày 18/10 vừa qua sau khi một tàu ở vùng Đông Bắc nước Pháp đâm vào xe tải tại một điểm giao cắt giao thông, khiến 11 người bị thương.
Người lái tàu là một trong những người bị thương nhưng lại là nhân viên duy nhất của Công ty Đường sắt Pháp (SNCF) ở trên tàu và phục vụ hành khách.
Các nghiệp đoàn đường sắt cho rằng vụ tai nạn đã chỉ ra vấn đề thiếu nhân lực phục vụ trên tàu, đặc biệt là thiếu nhân viên soát vé ở một số tuyến.
Trong khi các nhân viên tàu hỏa khẳng định việc họ tổ chức đình công phù hợp với các quy định về quyền của người lao động, ban lãnh đạo SNCF cáo buộc các công nhân lạm quyền để tổ chức biểu tình vào dịp cuối tuần đông khách, ngay những ngày đầu của đợt nghỉ Thu của học sinh các trường.
Hãng lập luận rằng từ nhiều thập kỷ qua, nhiều tuyến tàu của hãng đã không có nhân viên soát vé./.
Theo Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)
Trước đó, vào ngày 13/9, tại Paris cũng đã nổ ra một loạt các cuộc biểu tình
Công ty giao thông công cộng RATP ở Paris, Pháp cho biết, 10 trong số 16 đường tàu điện ngầm ở thành phố này đã đóng cửa, một số tuyến đường sắt vùng cũng dừng hoạt động.
Theo Sputniks, hôm nay (13/9) các công đoàn giao thông công cộng đã tiến hành một cuộc đình công phối hợp tại Paris để phản đối cuộc cải tổ tiền lương hưu mà Tổng thống Emmanuel Macron thực thi.
Giới chức Pháp cho hay, tắc đường vào giờ cao điểm sáng nay đã kéo dài tới 300km, gấp đôi mức bình thường của thành phố, theo The Local.
Người dân Paris buộc phải sử dụng xe đạp hoặc xe máy để tới chỗ làm.
Công ty RATP đã xin lỗi vì sự bất tiện do biểu tình gây ra và đề xuất người dân hạn chế đi lại càng nhiều càng tốt.
Theo cải tổ tiền lương hưu mới, công nhân giao thông công cộng phải làm việc lâu hơn rồi mới được về hưu.
Hiện nay, hệ thống lương hưu của RATP cho phép người lao động được về hưu ở tuổi 56, sớm hơn 7 năm so với hầu hết các lao động khác ở Pháp.
Giới truyền thông Pháp cho rằng đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 2007.