“Vết sẹo” ngang rừng và dự án bí ẩn của TQ: Mỹ nghi ngờ, Campuchia đáp trả “đừng bịa đặt”

Trước những nghi ngại về các dự án lớn của Trung Quốc ở tỉnh nghèo Koh Kong, Campuchia nói gì?

"Vết sẹo" ngang rừng và dự án bí ẩn của TQ: Mỹ nghi ngờ, Campuchia đáp trả "đừng bịa đặt"
Đường bay của Sân bay Quốc tế Dara Sakor. Ảnh: New York Times

Đường bay của Sân bay Quốc tế Dara Sakor do một công ty Trung Quốc xây dựng trông chẳng khác gì một vết sẹo dài ở nơi từng là rừng rậm nguyên sinh của Campuchia, báo New York Times (NYT) bình luận.

Sau khi chính thức hoàn thành vào năm tới, Sân bay Quốc tế Dara Sakor ở tỉnh nghèo Koh Kong, Campuchia sẽ trở thành cơ sở có đường bay dài nhất nước này. Gần đó, các công nhân cũng đang tiến hành chặt hạ cây xanh trong một công viên quốc gia để chuẩn bị khởi công một dự án xây cảng nước sâu lớn, có khả năng tiếp nhận tàu chiến.

Nhà thầu Trung Quốc phụ trách hai dự án sân bay và cảng nước sâu nói trên khẳng định các cơ sở này đều phục vụ mục đích dân sự. Tuy nhiên, lí do khiến một số người hoài nghi là bản thỏa thuận cho thuê đất 99 năm ở Dara Sakor, đặc biệt là khi các dự án nói trên lại được xây dựng giữa rừng sâu.

Các hoạt động ở Dara Sakor và các dự án do nhà thầu Trung Quốc xây dựng ở khu vực lân cận đã dấy lên nhiều hoài nghi và lo ngại rằng Bắc Kinh đang âm thầm biến Campuchia thành một tiền đồn quân sự của họ.

“Vì sao Trung Quốc lại xây một đường băng ở giữa rừng như vậy? Bởi nó sẽ giúp Trung Quốc phát huy được tiềm lực không quân của mình trong khu vực, một điều sẽ thay đổi toàn bộ cuộc chơi” – Sophal Ear, một nhà khoa học chính trị tại trường Occidental College, Los Angeles, Mỹ nhận định.

Trung Quốc vốn phải cạnh tranh với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Nhưng một số chuyên gia cho rằng, gần đây, Campuchia đang có xu hướng “mở lòng” hơn với Trung Quốc và quay lưng với Mỹ. Hiện Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia.

Theo các quan chức quân đội Mỹ, mặc dù Bắc Kinh một mực từ chối việc có ý đồ quân sự ở Campuchia, nhưng tại khu vực bờ biển Dara Sakor, Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận độc quyền về dự án mở rộng một căn cứ hải quân của Campuchia.

“Chúng tôi quan ngại rằng đường bay và cảng nước sâu ở Dara Sakor đang được xây dựng cho mục đích quân sự, bởi chúng có quy mô vượt quá so với nhu cầu của các hoạt động thương mại, cả trong thời điểm hiện tại và tương lai”, Trung tá Dave Eastburn, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, trả lời NYT qua email.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen đã bác bỏ những nhận định cho rằng Campuchia cho phép Trung Quốc hiện diện quân đội ở nước này. Thay vào đó, chính quyền ông Hun Sen khẳng định khu rừng rậm hẻo lánh ở Dara Sakor sẽ trở thành trung tâm hậu cần toàn cầu nhờ sân bay và cảng nước sâu (do Trung Quốc xây dựng).

“Không có chuyện quân đội Trung Quốc hiện diện ở Campuchia, không bao giờ. Và ai nói ra điều này đều là bịa đặt”, phát ngôn viên chính phủ Campuchia Pay Siphan nhấn mạnh. “Có lẽ những người da trắng muốn kìm chân Campuchia, không cho chúng ta phát triển nền kinh tế của mình”.

Vết sẹo ngang rừng và dự án bí ẩn của TQ: Mỹ nghi ngờ, Campuchia đáp trả đừng bịa đặt - Ảnh 2.
Thông tin về dự án Sân bay Quốc tế Dara Sakor, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Ảnh: construction-property.com

Báo Mỹ lo ngại về thỏa thuận “bất thường”

Tháng 7 năm nay, một nhóm người mặc quân phục đã đến trước ngôi nhà gỗ của ngư dân Thim Lim ở trong công viên quốc gia lớn nhất Campuchia, và yêu cầu ông Lim rời đi để nhường chỗ cho một dự án của Trung Quốc.

Mảnh đất của Lim nằm trong khu vực mà Campuchia cho tập đoàn Union Development Group (UDG) của Trung Quốc thuê từ hơn 10 năm trước. Điều kì lạ là UDG chưa từng có dự án nào ở nước ngoài, ngoại trừ số đất ở Campuchia.

NYT cho rằng thỏa thuận này đã có nhiều điểm đáng ngờ. Không hề có cuộc đấu thầu công khai nào được tổ chức, nhưng UDG lại được trao một hợp đồng thuê diện tích đất gấp 3 lần diện tích tối đa được quy định trong luật đất đai Campuchia, trong vòng 99 năm. Hơn nữa, công ty Trung Quốc này cũng được miễn tiền thuê đất trong vòng một thập kỷ.

Các tài liệu quảng cáo của UDG về dự án ở Dara Sakor gọi đây là “dự án đầu tư bờ biển lớn nhất, không chỉ ở Đông Nam Á, mà còn trên toàn thế giới”.

Mặc dù với những điều khoản cho thuê hào phóng như vậy, nhưng tình hình ở nơi duy nhất của Dara Sakor đã hoàn thiện và được đưa vào sử dụng – một khu phức hợp nghỉ dưỡng – khá đìu hiu.

Theo quan sát của phóng viên NYT trong thời gian gần đây, sân golf và casino của khu nghỉ dưỡng này hoàn toàn không có khách. Trong khi đó, tại nhà hàng nổi của khu nghỉ dưỡng này, chỉ có duy nhất một gia đình Trung Quốc, nhưng họ lại tự đem theo đồ hải sản trong túi nilon…

Thế nhưng, UDG không hề rút lui sau dự án khu nghỉ dưỡng ế ẩm nói trên, mà thay vào đó công ty này còn xây dựng những công trình lớn hơn, bao gồm đường băng dài 3,2 km và một cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu nặng đến 10.000 tấn.

Trong khi đó, thông tin về cơ quan, đơn vị quản lý các dự án ở Dara Sakor vẫn còn mơ hồ. Nhiều năm qua, UDG vẫn khẳng định dự án này hoàn toàn thuộc về tư nhân.

Tuy nhiên, Tướng Chhum Socheat, Thứ trưởng Quốc phòng Campuchia, nói với NYT rằng cơ quan Hàng không Dân dụng đang quản lý dự án sân bay Dara Sakor, nghĩa là dự án này không thể liên quan tới quân đội Trung Quốc.

Vết sẹo ngang rừng và dự án bí ẩn của TQ: Mỹ nghi ngờ, Campuchia đáp trả đừng bịa đặt - Ảnh 3.
Nguồn: SCMP

“Sự mơ hồ”

Tọa lạc cách Dara Sakor hơn 80km lại là một khu nghỉ dưỡng khác do Trung Quốc xây dựng trên đất công viên quốc gia Campuchia. Cơ sở này cũng vắng khách và ế ẩm không kém khu phức hợp ở Dara Sakor, dù có vị trí hướng biển và đầu bếp Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý của mọi người lại là một dự án ở khu vực lân cận: căn cứ hải quân Ream – căn cứ lớn nhất Campuchia.

“Tất cả các dự án này đều bị sự mơ hồ bao phủ, bởi bạn không bao giờ biết rõ điều gì đang diễn ra”, Devin Thorne, đồng tác giả của nghiên cứu có tên “Harbored Ambitions” do Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến thực hiện, nhận định.

Tháng 7 vừa qua, báo Wall Street Journal cho rằng Trung Quốc được trao “thỏa thuận bí mật” để tiếp cận một phần căn cứ hải quân Ream trong vòng 30 năm.

Những đồn đoán xung quanh căn cứ Ream đã xuất hiện kể từ khi phía Campuchia thông báo không còn cần người Mỹ giúp đỡ, dù trước đó Mỹ đã chấp thuận yêu cầu tân trang cơ sở huấn luyện và sửa chữa tàu chiến của căn cứ này – những cơ sở do Mỹ đầu tư chi phí xây dựng.

Trung tá Eastburn, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết việc chính quyền Campuchia rút lại yêu cầu của mình sau nửa năm là điều “rất bất ngờ, và dấy lên nhiều hoài nghi về kế hoạch của chính phủ Campuchia đối với căn cứ Ream”.

Trả lời về vấn đề này, Tướng Chhum Socheat đã bác bỏ việc Campuchia đã đề nghị Mỹ tài trợ kinh phí sửa sang căn cứ Ream.

“Liệu chúng tôi có buộc phải đề nghị Mỹ phát triển lãnh thổ của mình hay không? Liệu chúng tôi có cần phải cầu Mỹ làm giúp dự án này, dự án kia hay không?” – Tướng Chhum Socheat nói.

Tuy nhiên, trong một bức thư gửi Bộ Quốc phòng Campuchia ngày 8/5, tùy viên quốc phòng Mỹ tại Phnom Penh đã lưu ý rằng phía Campuchia đã “đề nghị Mỹ giúp đỡ sửa sang và tân trang các cơ sở do Mỹ cung cấp tại căn cứ [Ream]”, theo NYT.

Trong thư hồi âm được gửi vào một tháng sau đó, quan chức quốc phòng Campuchia đã đáp rằng “việc sửa chữa và tân trang các cơ sở tại căn cứ không còn cần thiết”.

Thủ tướng Hun Sen và các nghị sĩ Campuchia cáo buộc Mỹ có các động thái ủng hộ và giúp đỡ phe đối lập Campuchia.

Hai năm trước, quân đội Campuchia đã hủy cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ, và thay vào đó họ bắt đầu tập trận chung với Trung Quốc. Tới tháng 7 năm nay, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố rằng ông đã chi 240 triệu USD trong ngân sách quốc phòng của Campuchia để mua khí tài Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn, phát ngôn viên chính phủ Pay Siphan từng tuyên bố: “Nếu Đại sứ quán Mỹ không ưa chúng tôi, thì họ có thể thu xếp đồ đạc và rời đi”, ông Pay Siphan nói. “Họ là những người gây rối. [Campuchia] đã thấy rõ điều đó khi họ coi thường chúng tôi”.

Theo Trí thức trẻ

Thông tin đáng chú ý

Tin tức cập nhật

Hệ thống Krasukha của Nga buộc máy bay trinh sát Anh rút khỏi Ukraine

Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha của Nga, đã buộc máy bay trinh sát của Không quân Anh, phải gián đoạn hành động trinh sát và rút khỏi bầu trời…

Tác chiến điện tử của Nga góp phần đập tan lực lượng bạo loạn Kazakhstan

Việc đánh bại thành công các lực lượng bạo loạn và thành viên của các nhóm khủng bố, cố gắng dàn dựng một cuộc đảo chính ở Kazakhstan, là do việc sử…

Tung hoành khắp thế giới nhưng F-4 vẫn sợ nhất khi gặp MiG-21 Việt Nam

Mặc dù thuộc tính của chúng khác nhau đáng kể, nhưng các máy bay chiến đấu F-4 Phantom và MiG-21 luôn là những đối thủ nguy hiểm khi tham chiến trên…

Số liệu Sốc: Chỉ trong 3 tháng, 163 lính Mỹ thiệt mạng vì tự tử

Theo thông tin được tờ Foxnews của Mỹ đăng tải cách đây ít ngày, các báo cáo cho biết, đã có hơn 150 lính Mỹ tự tử trong quý 3 năm 2021 vừa qua.…

Liên quân do Nga dẫn đầu bắt đầu rút khỏi Kazakhstan

Lực lượng Nga bên ngoài sân bay thành phố Almaty. Ảnh: Reuters.  Trong một thông báo đưa ra hôm nay, Bộ Quốc phòng Nga cho biết liên…

Quân đội Nga bắt đầu chuyển vũ khí hạng nặng tới biên giới với NATO

Theo truyền thông phương Tây, hiện tại có khoảng 100.000 quân Nga và hàng nghìn thiết bị quân sự hạng nặng, đang được triển khai ở biên giới giữa…

Tổng thống Nga – Putin biến nguy thành cơ giữa khủng hoảng Kazakhstan

Ngay từ những ngày đầu năm mới, Kazakhstan đối mặt làn sóng bất ổn chưa từng có. Hàng nghìn người đổ xuống đường biểu tình, đốt phá, gây bạo loạn, đẩy…

3.000 lính Nga làm gì tại Kazakhstan?

"Nhiệm vụ chính của lực lượng gìn giữ hòa bình hỗn hợp của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) là bảo vệ các cơ sở quốc phòng và cơ quan nhà nước…

Thông tin tình báo khiến Mỹ lo ngại lực lượng Nga gần Ukraine

Các quan chức Mỹ cho biết họ phát hiện Nga gần đây điều thêm nhiều trực thăng quân sự và cường kích tấn công mặt đất tới khu vực phía tây, nơi khoảng…

Nga cảnh báo hậu quả nếu Mỹ trừng phạt Tổng thống Putin

"Nêu ra các biện pháp trừng phạt đối với một nguyên thủ quốc gia là vượt qua ranh giới và có thể so sánh với rạn nứt quan hệ", phát ngôn viên Điện…