T-54M Việt Nam vô hiệu hóa tên lửa chống tăng hiện đại
Bên cạnh hệ thống điều khiển hỏa lực TIFCS-3BU hiện đại thì điểm nhấn khác trên xe tăng T-54M chính là tổ hợp giáp phản ứng nổ rất vững chắc.
Kênh truyền hình VTV24 mới đây đã phát sóng phóng sự “Gặp gỡ các kíp xe tăng tham dự cuộc đua Tank Biathlon trong khuôn khổ Army Games 2019 tại Liên bang Nga”, trong đó đã giới thiệu khá chi tiết về xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-54M nâng cấp của Việt Nam.
Gây ấn tượng nhiều nhất cho khán giả về tính năng kỹ chiến thuật của xe tăng T-54M chính là kính ngắm TSGS-54BU thuộc hệ thống kiểm soát hỏa lực (FCS) TIFCS-3BU do Công ty Indra của Tây Ban Nha sản xuất, tổ hợp này giúp cho T-54M có khả năng tác xạ nhanh với độ chính xác rất cao.
Nhưng bên cạnh hệ thống FCS thì chiếc chiến xa T-54M còn gây ấn tượng mạnh bởi bề ngoài bắt mắt với các tấm giáp phản ứng nổ (ERA) do Việt Nam tự chế tạo được bố trí một cách rất khoa học, tạo ra chiếc áo giáp cực kỳ vững chắc.
![]() |
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-54M do Việt Nam tự tiến hành hiện đại hóa |
Theo thông tin ban đầu thì xe tăng T-54M của Việt Nam sẽ sử dụng giáp phản ứng nổ Blazer do Israel chế tạo. Tuy nhiên căn cứ theo hình ảnh thì đây là loại ERA của riêng chúng ta do hình dáng của chúng hoàn toàn khác biệt sản phẩm cùng loại.
Báo Quân đội nhân dân cho biết, hồi năm 2009 các kỹ sư quân sự trẻ của Việt Nam đã phát triển thành công giáp phản ứng nổ thế hệ 1 có khả năng chống được đạn chống tăng bắn từ khoảng cách 100 m và đạn bộ binh bắn ở cự ly 200 – 300 m.
Chưa hài lòng với kết quả đó, nhóm đề tài đã tiếp tục cải tiến chế tạo thành công giáp phản ứng nổ thế hệ 2 bảo vệ được xe tăng trước đạn hỏa lực mạnh hơn B-41 như tên lửa chống tăng B-72 hoặc tương đương. Rất có thể sản phẩm hiện đã hoàn thiện và được mang ra ứng dụng thực tế.
![]() |
Cận cảnh lớp giáp phản ứng nổ và giáp lồng trên tháp pháo xe tăng T-54M |
Dễ dàng nhận thấy rằng các phiến giáp phản ứng nổ trên xe tăng T-54M của Việt Nam đã che kín các vị trí hiểm yếu của vòng cung phía trước cũng như trên tháp pháo, mức độ hoàn thiện thậm chí còn được đánh giá cao hơn cả T-72B3 khi chiếc MBT của Nga vẫn cho thấy khá nhiều khe hở giữa các tấm ERA Kontakt-5.
Quan trọng hơn, lớp giáp phản ứng nổ nội địa này theo đánh giá hoàn toàn đủ sức vô hiệu hóa các loại tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) hiện đại như BGM-71 TOW hay thậm chí là 9M133 Korrnet.
Cần nhớ lại trên chiến trường Syria, đã có ít nhất 1 chiếc chiến xa T-62M sống sót sau khi bị ATGM bắn thẳng vào tháp pháo, trúng phần giáp bổ sung và không xuyên qua được.
Trong khi đó mức độ bảo vệ của phần giáp phụ trang bị cho T-62M rõ ràng không thể sánh được với giáp ERA của T-54M khi chỉ cấu tạo từ thép đơn giản.